Tháng 09 15 11:17
Ngân hàng đồng loạt đổi cách tính lãi tiết kiệm, cho vay
Các ngân hàng từ nay sẽ thống nhất cách tính lãi gửi và vay thay vì mỗi nơi một kiểu. Ảnh: Đức Đồng.
Từ đầu năm 2018, hàng loạt ngân hàng thương mại thông báo thay đổi cách tính lãi tiết kiệm và cho vay, trên cơ sở xác định một năm 365 ngày thay vì 360 ngày.
Việc thay đổi cách tính này là để thực hiện Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ 1/1/2018. Việc này giúp phù hợp với quy định của Luật Dân sự sửa đổi, bổ sung vừa qua, đồng thời là cơ sở để các ngân hàng thương mại thống nhất cách tính lãi.
Thực tế, trước năm 2018, rất nhiều ngân hàng vẫn tính lãi (cho vay và gửi) với cách quy ước trên hợp đồng là 360 ngày (không tính trường hợp tháng có 31 ngày) thay vì theo ngày thực tế 365 hoặc 366 ngày. Cụ thể, cùng lãi suất niêm yết gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng là 7% một năm nhưng nếu tính cơ sở 365 ngày, lãi (tính theo ngày) sẽ thấp hơn so với khi tính 360 ngày.
Ví dụ, khách hàng gửi một tỷ đồng kỳ hạn một tháng, lãi suất hợp đồng ghi 7,2% một năm. Nếu ngân hàng nào quy ước một năm 360 ngày thì tiền lãi thực tế tính theo ngày người gửi tiết kiệm nhận về là 200.000 đồng (lãi suất 0,02% mỗi ngày). Nhưng nếu ngân hàng xác định một năm 365 ngày, lãi thực mỗi ngày nhận về của khoản gửi một tỷ đồng giảm, chỉ còn 197.000 đồng.
Như vậy, người gửi tiền có thể sẽ thiệt hơn với cách tính mới nhưng ngược lại, người vay có thể sẽ phải trả lãi ít hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc mỗi ngân hàng quy ước một cách quy đổi khác nhau dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, việc này cũng dẫn đến những tranh cãi, khiếu nại giữa khách hàng và ngân hàng khi thu lãi vay và trả lãi gửi. Do đó, cách thay đổi sẽ đảm bảo tính thống nhất giữa các nhà băng.
Với các khoản gửi có kỳ hạn trước ngày 1/1, các ngân hàng thực hiện cách tính như cũ cho đến khi hết hạn. Riêng tiền gửi không kỳ hạn sẽ được áp dụng ngay theo quy định mới.
Những tin cũ hơn