Tháng 09 15 10:44
Tai tiếng Monsanto
Một cuộc biểu tình phản đối hãng Monsanto tại Thụy Sĩ Ảnh: AP
Bóc trần bí mật
Hội đồng Ung thư Úc hôm 11-8 lên tiếng thúc giục Monsanto thú nhận mọi mối liên hệ tiềm tàng giữa bệnh ung thư và Roundup, một trong những loại thuốc diệt cỏ phổ biến nhất của công ty. Theo kênh ABC, Giám đốc điều hành Hội đồng Ung thư Úc Sanchia Aranda nhấn mạnh Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế đã xếp glyphosate - chất có trong các loại thuốc diệt cỏ của Monsanto, vào loại chất có khả năng gây ung thư. Bà Aranda khẳng định: "Một số công trình nghiên cứu cho thấy có sự liên kết với bệnh ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin ở những người sử dụng hóa chất này thường xuyên".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Carey Gillam của tổ chức nghiên cứu ngành công nghiệp thực phẩm phi lợi nhuận Right to Know (Mỹ), chỉ rõ Monsanto đã mất hàng thập kỷ để thuyết phục người tiêu dùng, nông dân, giới chính khách và các nhà điều hành bỏ qua chứng cứ ngày càng tăng liên quan giữa các chất diệt cỏ của công ty có chứa glyphosate với bệnh ung thư và những vấn đề về sức khỏe khác. Công ty đã vận dụng một loạt chiến thuật - một số rút ra từ sách lược mà ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng để bảo vệ tính an toàn của thuốc lá - nhằm lấn át và thao túng tài liệu khoa học, nhũng nhiễu báo giới và các nhà khoa học phản biện luận điệu tuyên truyền của công ty, gây áp lực cũng như thông đồng với giới quản lý.
Báo The Guardian nhận định trong vụ án mới nhất này, qua nỗi thống khổ của một nạn nhân, các chiến lược bí ẩn của Monsanto đã bị phơi bày trước thế giới. Monsanto đã bị lột trần bởi những phát biểu của các nhà khoa học của chính mình; sự thật đáng nguyền rủa đó được làm sáng tỏ qua những bức thư điện tử, báo cáo chiến lược nội bộ và các phương tiện giao tiếp khác của công ty.
Phán quyết của hội đồng xét xử đã khẳng định chất diệt cỏ Roundup của Monsanto và các sản phẩm có chứa glyphosate có liên quan đã gây ra mối nguy hiểm có thật với những người sử dụng chúng, đồng thời công nhận có "chứng cứ rõ ràng và thuyết phục" rằng các viên chức của Monsanto đã hành động "dã tâm hoặc bất lương" khi đã không cảnh báo các rủi ro một cách thích đáng.
Lời khai và bằng chứng trình bày tại phiên xét xử cho thấy các dấu hiệu cảnh báo đã có trong công trình nghiên cứu khoa học từ đầu những năm 1980 và đã tăng lên trong mấy thập kỷ qua. Thế nhưng, với mỗi một cuộc nghiên cứu mới chỉ ra sự tổn hại, Monsanto đã không đi theo hướng khuyến cáo người sử dụng hoặc thiết kế lại sản phẩm của mình. Trái lại, công ty đã hành động để tạo ra kênh khoa học riêng nhằm chứng tỏ chúng an toàn. Công ty hóa chất khổng lồ này thường đưa phiên bản khoa học của mình thâm nhập đại chúng thông qua một tài liệu được thiết kế để xuất hiện độc lập và do đó đáng tin cậy hơn. Chứng cứ được đưa ra với các vị hội thẩm cũng cho thấy công ty này hợp tác chặt chẽ ra sao với giới chức Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) để truyền đạt thông điệp an toàn và ngăn chặn chứng cứ gây hại.
Che giấu sự thật
"Hội thẩm đoàn đã chú ý trong suốt phiên tòa kéo dài này và hiểu rõ thứ khoa học đó và cũng hiểu vai trò của Monsanto trong việc che giấu sự thật" - bà Aimee Wagstaff, một trong số các luật sư khắp nước Mỹ bảo vệ quyền lợi của các nguyên đơn khác cũng đã có đơn kiện tương tự như ông Dewayne Johnson, xác nhận.
Một phiên tòa khác sẽ diễn ra ở TP St. Louis, bang Missouri vào tháng 10 tới và 4.000 nguyên đơn vẫn đang chờ được giải quyết khiếu nại với kết quả có thể lên đến hàng trăm triệu, nếu không phải hàng tỉ USD, tiền đền bù thiệt hại. Tất cả họ đều không chỉ cáo buộc rằng căn bệnh ung thư của họ là do các chất diệt cỏ của Monsanto gây ra, mà còn cho rằng Monsanto đã biết các mối nguy hiểm đó từ lâu nhưng che giấu chúng. Luật sư của các nguyên đơn quả quyết đến nay họ mới đưa ra ánh sáng một phần chứng cứ thu thập từ các tài liệu nội bộ của Monsanto cũng như kế hoạch tiết lộ nhiều hơn nữa trong các phiên tòa trong tương lai.
Tuy nhiên, Monsanto khăng khăng không làm điều gì sai trái và biện bạch rằng chứng cứ nêu trên đã bị xuyên tạc. Các luật sư của công ty khẳng định họ có trong tay rất nhiều nghiên cứu khoa học đứng về phía họ, đồng thời tuyên bố sẽ kháng cáo - điều đó có nghĩa là có thể trong suốt nhiều năm tới ông Johnson và gia đình chưa nhận được một đồng bồi thường nào.
Thế nhưng, vấn đề ở đây không phải là chuyện về một con người sắp chết vì ung thư. Đáng nói là, các chất diệt cỏ có chứa glyphosate đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu (khoảng 826 triệu kg/năm) và dư lượng của chúng được phát hiện trong các nguồn thực phẩm và nước, trong đất và không khí. Giới khoa học gia Mỹ thậm chí còn ghi nhận dư lượng loại thuốc diệt cỏ này trong nước mưa. Do đó, tình trạng phơi nhiễm là phổ biến, hầu như không thể tránh khỏi.
Phát biểu tại phiên tòa trên, luật sư Brent Wisner nhấn mạnh đã đến lúc buộc Monsanto phải chịu trách nhiệm và phiên tòa là "ngày đền tội" của công ty này.
Kỳ tới: Cuộc "hôn nhân" tai hại
Đổi tên
Hãng Homebase, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất ở Anh ngày 11-8 tuyên bố sẽ xem xét lại việc bán thuốc diệt cỏ Roundup của hãng Monsanto. Một số nhà bán lẻ trên thế giới cũng có những động thái tương tự giữa lúc lo ngại dâng cao về sản phẩm gây tranh cãi bùng nổ này sau phán quyết tại tòa án Mỹ. Trong khi đó, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường kêu gọi xem xét lại các quy định sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp với lo ngại glyphosate gây nguy cơ tới sức khỏe, đất đai và môi trường.
Đưa ra lời khuyên trước mắt đối với những ai sử dụng sản phẩm Roundup thường xuyên, giáo sư Sanchia Aranda - Giám đốc điều hành Hội đồng Ung thư Úc, nói rằng cần cẩn trọng hết mức, như sử dụng mặt nạ và quần áo bảo vệ.
Những động thái nói trên mới chỉ là các phản ứng ban đầu sau phán quyết đầu tiên trong số hơn 5.000 vụ kiện tương tự nhằm vào Monsanto tại Mỹ. Tập đoàn Bayer - công ty mẹ của hãng Monsanto tới nay vẫn khăng khăng rằng thuốc diệt cỏ Roundup của họ là "an toàn". Không rõ liệu tập đoàn của Đức này có lường trước được những rủi ro đáng lo ngại khi thâu tóm Monsanto trong thương vụ sáp nhập 63 tỉ USD hồi tháng 6 hay không. Được biết, phía Bayer đã có kế hoạch đổi bỏ cái tên Monsanto nhiều tai tiếng đã tồn tại 117 năm qua.
Thu Hằng, Lục San@Dân Trí, Người Lao Động
Những tin cũ hơn