Tháng 09 15 11:02
Vì lý do an toàn, Trung Quốc cấm bán 2/3 số sữa công thức trên thị trường
Hủy sữa nhiễm melamin trong bê bối rúng động Trung Quốc năm 2008. Nguồn ảnh: Internet
Những sản phẩm không được chính phủ Trung Quốc công nhận sẽ bị cấm bán. Đây thường là những sản phẩm của những công ty nhỏ, mang tính địa phương. Những dòng sản phẩm này thường làm dấy lên hoài nghi về chất lượng và độ an toàn, vốn từng làm chao đảo thị trường sữa Trung Quốc và thế giới trong bê bối sữa nhiễm melamin hồi năm 2008 khiến 6 trẻ so sinh tử vong và hàng chục nghìn trẻ khác nhiễm bệnh.
Nhà chức trách Trung Quốc hiện tại chỉ cấp phép cho 940 sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh từ 129 nhà máy, giảm từ 2.300 loại sữa công thức trên thị trường trước ngày 1/1/2018. Biện pháp mạnh tay mới của Trung Quốc phù hợp với lời kêu gọi nâng cao mức sống người dân mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra năm ngoái.
Các hãng sữa ngoại còn nhiều đất để bành trướng trên thị trường sữa Trung Quốc.
Theo Bloomberg, cuộc cải tổ của Trung Quốc sẽ mang tới niềm vui lớn cho các thương hiệu quốc tế như Nestle SA và Danone trong nỗ lực giành thị phần ở thị trường sữa trị giá 20 tỷ USD này. Các tập đoàn đa quốc gia, vốn sở hữu công nghệ hiện đại và các quy chuẩn nghiêm ngặt, sẽ có lợi thế trong cuộc cạnh tranh ở Trung Quốc bởi lòng tin mà người tiêu dùng đã dành cho họ.
Sự bê bối triền miên với sữa Trung Quốc khiến các bà mẹ không ngại chi tiền cho các thương hiệu nước ngoài. Zhou Liwen, một người mẹ 34 tuổi, nhấn mạnh: “Nếu chất lượng tốt, tôi sẽ mua bằng được sản phẩm đó dù giá cao. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc sử dụng các loại sữa công thức của Trung Quốc. An toàn mới là điều quan trọng nhất”.
Tâm lý này giúp Nestle, Danone và Reckitt Benckiser lọt vào nhóm đầu các nhà cung cấp trong thị trường sữa trị giá 20 tỷ USD của Trung Quốc. Tuy nhiên, để gia tăng thị phần, các thương hiệu nước ngoài buộc phải tấn công và chiếm lĩnh thị trường ở những đô thị nhỏ và các vùng nông thôn Trung Quốc, vốn đang bị các thương hiệu sữa địa phương thống trị.
Niềm tin của người tiêu dùng là lợi thế lớn cho các hãng sữa nước ngoài ở Trung Quốc.
Một trong các biện pháp chiếm lĩnh thị trường khả quan là tận dụng các chuỗi bán lẻ như Babemax và Kidswant, vốn đang rất phổ biến ở Trung Quốc. Những loại cửa hàng này xuất hiện cách đây một thập kỷ, thường nằm gần các bệnh viện hay trung tâm sinh sản. Một nửa doanh thu của chuỗi bán lẻ này tới từ sữa công thức.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã bỏ chính sách một con, dẫn tới khoảng 20 triệu em bé chào đời hàng năm. Tốc độ gia tăng trẻ sơ sinh có thể đạt 7%/năm và kéo dài trong ít nhất 5 năm tới. Nó mở ra một thị trường khổng lồ cho các nhà sản xuất sữa. Tuy nhiên, tiềm năng lớn cũng sẽ biến Trung Quốc trở thành chiến trường của các thương hiệu sữa quốc tế, vốn đang có lợi thế so với các thương hiệu địa phương trên thị trường Trung Quốc.
Những tin cũ hơn