Deprecated: preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead in /home/kyoritsuvietnam.com/public_html/includes/countries.php on line 10
Giải mã 'nút phóng hạt nhân' của Tổng thống Mỹ - Kyoritsu, Kyoritsu Việt Nam: Đồng hồ vạn năng, Ampe kìm, Đồng hồ chỉ thị pha, Máy đo ánh sáng, Máy đo nhiệt độ, Máy thử điện áp, Thiết bị kiểm tra dòng rò, Thiết bị thử điện áp, Thiết bị phân tích điện

Giải mã 'nút phóng hạt nhân' của Tổng thống Mỹ

Không khí khẩn trương và Tổng thống Mỹ, gương mặt căng thẳng, đặt tay lên nút bấm trước khi cương quyết nhấn xuống, khai hỏa vũ khí hạt nhận. Có thể bạn đã thấy cảnh này trên phim ảnh, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác.
Ảnh minh họa. Chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Mỹ không chứa nút phóng thần kỳ như trong phim. Nguồn: AFP
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa có phiên điều trần lần đầu tiên trong 4 thập niên qua về quyền hạn của tổng thống trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố chiến tranh, nhưng tổng thống với vai trò là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang có toàn quyền bảo vệ đất nước, trong đó có việc phát lệnh tấn công hạt nhân đến bất cứ đâu mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội.
Đặc quyền này đang gây nhiều lo ngại cho giới lập pháp sau những căng thẳng về hạt nhân gần đây trên bán đảo Triều Tiên, nhất là khi Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố có thể hủy diệt Triều Tiên.
Bí ẩn vali hạt nhân
Nhiều người vẫn tưởng Tổng thống Mỹ có một nút phóng thần kỳ nằm trong chiếc vali vốn được gọi là “quả bóng hạt nhân”. Đây là vật bất ly thân của nhà lãnh đạo Mỹ, được chuyển giao ngay khi tuyên thệ nhậm chức. Dĩ nhiên tổng thống không phải tự tay cầm vali mà là phụ tá quân sự được tuyển chọn kỹ lưỡng, luôn theo sát tổng thống.
Ông Pete Metzger, một trong những phụ tá từng đảm nhận vị trí này dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, cho biết nắm giữ vali hạt nhân là một trách nhiệm đáng lo ngại. Ông phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra khắt khe Lầu của Năm Góc, Cơ quan Mật vụ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) trước khi được giao nhiệm vụ.

Theo The Guardian, thực tế có 3 “quả bóng hạt nhân”, một chiếc luôn kè kè tổng thống khi ông rời Nhà Trắng, một chiếc khác cho phó tổng thống và một chiếc vali còn lại được cất trong Nhà Trắng. Đến nay, chưa một tổng thống nào của nước Mỹ phải dùng đến chiếc vali hạt nhân.

Trong các bộ phim bom tấn, tổng thống chỉ cần mở vali, bấm nút là kích hoạt được một cuộc tấn công chuẩn xác tới bất cứ đâu. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Tổng thống Mỹ không có nút phóng vũ khí hạt nhân. Chiếc vali được chế tạo bằng hợp kim titan siêu bền, nặng khoảng 20 kg và được đựng bên trong một túi da màu đen. Vali hạt nhân chứa 4 “báu vật”, theo tờ The Washington Post dẫn lời ông Bill Gulley, từng là Giám đốc Văn phòng Quân đội Nhà Trắng.
Báu vật đầu tiên là một cuốn sách bìa đen dày 75 trang, liệt kê các lựa chọn tấn công và mã phóng cho từng loại vũ khí, tiếp đến là một tấm thẻ có biệt hiệu “biscuit” (bánh qui) chứa các mã định danh của riêng vị tổng thống đó. Ngoài ra, vali còn chứa một bản hướng dẫn dày 10 trang để sử dụng Hệ thống liên lạc khẩn cấp và một danh sách các khu vực tối mật an toàn mà tổng thống có thể dùng đến.
Chiếc vali được cho là còn chứa hệ thống thiết bị để tổng thống có thể giữ liên lạc với Trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia tại Lầu Năm Góc hay “Phòng chiến tranh”, vốn là cơ quan theo dõi mối đe dọa hạt nhân trên toàn thế giới.

Với những “vật báu” này, tổng thống sẽ phải mất một khoảng thời gian với quy trình từ trên xuống, chặt chẽ và liên quan đến nhiều nhân vật chủ chốt thì vũ khí hạt nhân mới được khai hỏa.
Quy trình tấn công hạt nhân
Chia sẻ với BBC, một cựu quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết quy trình đưa ra quyết định phóng hạt nhân sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Nếu như đây là một quyết định manh tính dài hạn và được tính toán kỹ lưỡng như tấn công phủ đầu một nước nào đó, quá trình này sẽ có sự tham gia của nhiều người. Những nhân vật quan trọng như Phó tổng thống, Cố vấn an ninh quốc gia và nhiều vị trí then chốt trong nội các sẽ được gọi tham dự quá trình này. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn, tổng thống sẽ toàn quyền quyết định.
Trả lời hãng tin DW, ông Bruce Blair, chuyên gia về hệ thống chỉ huy điều khiến hạt nhân của Mỹ, cho biết Washington đã xây dựng một quy trình họp tham vấn từ xa để kết nối các cố vấn hàng đầu với phòng họp Tổng thống Mỹ trong trường hợp họ đang ở xa.

Nhân vật quan trọng nhất mà tổng thống cần trao đổi sẽ là Chỉ huy các lực lượng chiến thuật của Mỹ tại Omaha, Nebraska. Đây là người sẽ trình bày cho chủ nhân Nhà Trắng những lựa chọn có sẵn và các hệ quả. Ông cũng có thể hỏi ý kiến tổng thống về các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, chẳng hạn như liệu tổng thống có muốn tránh đánh vào các vùng đô thị đông dân cư hay không.

Tổng thống Mỹ sau khi đưa ra lựa chọn tấn công sẽ chuyển lệnh đến Phòng chiến tranh. Đây là lúc các nhân vật quan trọng trong phòng chiến tranh yêu cầu tổng thống xác thực lệnh bằng mã trong “biscuit”. Với mật mã chính xác, Lầu Năm Góc sẽ chuyển thông điệp khẩn hoặc lênh phóng tên lửa hạt nhân đến các đơn vị được tổng thống lựa chọn.
Theo hãng Bloomberg, lệnh phóng này có độ dài 150 ký tự, tức còn không bằng một dòng tweet trên mạng xã hội Twitter. Mệnh lệnh sẽ được mã hóa, kèm theo các mã đặc biệt để mở khóa vũ khí hạt nhân. Mệnh lệnh này bao gồm cả chỉ dẫn cho các chỉ huy thực hiện lệnh phóng và thời gian khai hỏa. Các thành viên thực hiện kế hoạch tấn công sẽ nhận lệnh trong vòng 5 phút kể từ khi tổng thống ra quyết định.
Khi có lệnh trong tay, các đội phóng vũ khí sẽ mở két lấy mã hệ thống xác thực niêm phong (SAS), được chuẩn bị sẵn bởi Cơ quan An ninh Quốc gia và được phân bố thông qua chuỗi chỉ huy hạt nhân của quân đội. Mã SAS trong két sắt sẽ được đối chiếu với mã SAS trong lệnh phóng.

Trong trường hợp Mỹ sử dụng cơ sở phóng tên lửa trên bộ, tên lửa sẽ được phóng trong vòng từ 1-5 phút kể từ khi đội phóng nhận lệnh. Mỹ có 5 đội phóng tên lửa hạt nhân, mỗi đội chỉ 2 người, với mỗi trung tâm điều khiển 50 tên lửa trực chiến, theo Bloomberg. Sau khi xác nhận lệnh, người đó sẽ nhập mã kế hoạch chiến tranh vào máy tính để tái định vị mục tiêu thời bình là phóng ra biển sang mục tiêu thời chiến. Tên lửa sau đó được mở khóa và được kích hoạt khai hỏa bằng chìa khóa lấy từ két sắt.
Đội phóng tên lửa hạt nhân trên tàu ngầm sẽ tốn từ 10 đến 15 phút để thực hiện mệnh lệnh vì còn một số bước khác cần thực hiện. Lệnh phải được xác thực bởi cả thuyền trưởng, sĩ quan chỉ huy, và hai sĩ quan khác. Lệnh phóng sẽ kèm theo mã mở két sắt trên tàu chứa chìa khóa khai hỏa tên lửa. Một khi tên lửa được khai hỏa, không có cách nào thu hồi.

Bà Elaine Scarry, nhà văn và chuyên gia triết học tại ĐH Harvard, trong quyển sách xuất bản năm 2014 về vũ khí hạt nhân, có viết Tổng thống Richard Nixon vào năm 1974 từng ghi chú rằng: “Tôi có thể quay trở vào văn phòng, nhấc điện thoại lên và chỉ 25 phút sau 70 triệu người sẽ thiệt mạng”. Cuối năm 1974, bị bủa vây trong vụ bê bối Watergate, Tổng thống Nixon chìm trong rượu và những bất ổn tâm lý. Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông James Schlesinger đã yêu cầu Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thông báo lại cho ông và Ngoại trưởng Henry Kissinger “bất kỳ mệnh lệnh khẩn cấp nào do tổng thống đưa ra”, tờ The New York Times năm 2014 hé lộ sau khi ông Schlesinger qua đời.
 
Ngọc Mai@Thanhnien.vn